10 ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH BÌNH THUẬN BẠN PHẢI ĐẾN! (phần 1)

 1. Cù Lao Câu

Cù Lao Câu thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, hiện lên như một chiến hạm lớn, xung quanh bao bọc bởi hàng vạn khối đá với màu sắc và hình thù khác nhau. Đây là một đảo vắng, nằm cách điểm gần nhất của đất liền khoảng gần 10km, đi tàu từ đất liền ra hết khoảng 1 giờ 30 phút. 

Trên đảo có hàng ngàn khối đá với hình thù rất độc đáo, xen kẽ là những thảm cỏ xanh mượt. Nơi đây được quy hoạch làm khu bảo tồn sinh vật biển và là điểm du lịch sinh thái biển rất hấp dẫn.


2. Đảo Phú Quý


Phú Quý hay còn gọi là Cù Lao Thu là một hòn đảo nhỏ nằm cách thành phố Phan Thiết khoảng 120km, ấn tượng đầu tiên của bạn khi đặt chân đến đây là khung cảnh rất hoang sơ và gần như chưa có sự đụng chạm của các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp. 

Có lẽ vì thế mà Phú Quý đang dần trở thành cái tên hot hơn bao giờ hết trong đầu của các bạn trẻ yêu du lịch. Không chỉ hấp dẫn du khách bởi nhiều nhiều bãi tắm như vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi Nhỏ – Gành Hang, hòn Tranh… mà Phú Quý còn có nhiều danh thắng cho bạn khám phá.




3. Mũi Kê Gà

Mũi Kê Gà nằm tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, cách Phan Thiết khoảng 30 km. 



Nếu Phan Thiết nổi tiếng với những bãi biển đẹp, bãi cát dài trắng mịn, thì Mũi Kê Gà lại có thêm những phiến đá kỳ lạ xếp thành đủ hình thù gợi sự hiếu kỳ cho du khách.


Nơi đây không phải là một trong những điểm đến quen thuộc của du khách Việt Nam vì Kê Gà còn khá hoang sơ và hẻo lánh, nhưng nhiều bạn trẻ du lịch bụi lại thích tới đây để cảm nhận không khí yên bình và thăm ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam.



4. Biển Cổ Thạch

Cổ Thạch thuộc huyện Tuy Phong, cách Phan Thiết khoảng 100 km. Cũng như nhiều bãi biển “hẻo lánh” ở Bình Thuận, biển Cổ Thạch vẫn còn lưu giữ được vẻ đẹp hoang sơ, nước biển trong xanh.

Bãi biển ở Cổ Thạch là một quần thể đá và cát, có những bãi đá gồm nhiều loại đá nhỏ, tròn, dẹp, nhiều sắc màu, được người dân địa phương gọi là đá bảy màu. Bãi đá này hình thành từ tự nhiên do tác động của thủy triều, hải lưu và nước biển. 


Riêng với dân nhiếp ảnh, mùa Cổ Thạch đẹp nhất là vào tháng 3, cũng là mùa “đi săn rêu”. Khi đó, gần như toàn bộ các tảng đá lớn ở Cổ Thạch đều phủ lên mình một bộ áo rêu xanh thẫm, rồi dần ngả vàng dưới ánh nắng chói chang.



5. Bàu Trắng

Cách Phan Thiết khoảng 65 km về hướng Đông Bắc, Bàu Trắng thuộc địa phận thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. 


Tới đây, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi leo lên những triền cát cao lại bắt gặp một biển hồ lấp lánh ánh bạc dưới mặt trời rực rỡ, những cánh sen hồng thấp thoáng, lấp ló sau những chiếc lá xanh tạo nên một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng.



6.Suối Hồng (Suối Tiên)


Suối Hồng hay còn gọi là suối Tiên là một trong những điểm đến nổi tiếng mà du khách không nên bỏ qua khi đến du lịch Phan Thiết, 

nơi đây được du khách ưu ái đặt tên là “Bồng lai tiên cảnh”, bởi bên cạnh suối là những đồi nhũ đá tự nhiên có màu đỏ và trắng. Do sự bào mòn của thời gian nên đã tạo ra những nhũ đá có hình thù kỳ lạ tự nhiên.



7. Làng chài Mũi Né

Nép mình êm đềm bên con đường Huỳnh Thúc Kháng và xen giữa những hàng dừa cao vút rất riêng của xứ biển Phan Thiết, làng chài Mũi Né luôn có một sức quyến rũ đến lạ từ buổi bình minh cho đến khi mặt trời khuất dạng. 

Ngay tại lối vào làng bạn đã có thể chứng kiến cảnh hàng trăm tàu thuyền đánh cá đầy màu sắc sặc sỡ neo đậu trên mặt nước. Cách cảng không xa là một khu chợ nhỏ đầy màu sắc với vẻ đẹp yên bình của những hàng dừa bao quanh.



8. Đồi cát Mũi Né


Đồi cát Mũi Né hay Đồi Cát Bay là một trong những bãi cát trải dài trên một diện rộng. Được hình thành từ rất lâu đời, cát ở đây có nhiều màu, chủ yếu là vàng, trắng ngà, đỏ sậm, đỏ nhạt… trộn lẫn vào nhau trông rất đẹp mắt.


9. Mũi Yến

Mũi Yến là một mỏm đá hoang sơ, cao khoảng 30m so với mặt nước biển. Bạn có thể hạ trại ngay trên mỏm đá này để thưởng ngoạn thiên nhiên. Giữa mây trời bao la, dưới chân là biển cả với những con sóng vỗ mạnh vào các mỏm đá lớn tạo nên một cảnh tượng hùng vĩ, đẹp đến nao lòng. 

Cắm trại qua đêm ở mũi Yến, bạn sẽ có cảm giác hòa mình vào thiên nhiên một cách hoàn hảo nhất. 

Bãi biển nơi đây rất vắng vẻ, có thể thoải mái ngâm mình, đùa giỡn dưới làn nước trong xanh, mát rượi nhưng lưu ý là ở đây sẽ không có nhà tắm nước ngọt.

Đêm trăng thanh, biển tĩnh lặng, không gì tuyệt hơn là xuống các mỏm đá ven biển thả câu, bắt và nướng cá ngay tại chỗ. May mắn, bạn sẽ câu được cá bò da, loại cá chỉ sống trong những rạn san hô. 


Sau khi lột bỏ phần bị nướng khét bên ngoài, hãy thưởng thức thịt cá dai và ngọt đậm đà, ngon tuyệt. Sáng sớm hôm sau, sẽ thật tuyệt vời khi được tận hưởng cảm giác chỉ cần ngồi trong lều, vén cửa ra là có thể đón những tia nắng đầu tiên. Ở phía xa, mặt trời đỏ ối từ từ mọc lên trên mặt biển, phủ lên Mũi Yến một lớp ánh sáng vàng lộng lẫy.

10. Núi Tà Cú

Núi Tà Cú nằm ven quốc lộ 1A tại thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, cách thành phố Phan Thiết 28km về phía Nam, là một địa điểm leo núi, một thắng cảnh kỳ thú của tỉnh Bình Thuận có đỉnh cao 649m so với mặt nước biển. Khung cảnh nơi đây hoang sơ, kỳ vỹ với núi non trùng điệp, thấp thoáng mái chùa cổ kính ẩn sau rừng cây.

Có hai cách để lên núi Tà Cú. Một là men theo hơn 1.000 bậc thang, tốn gần 3 giờ đồng hồ để lên núi. 

Phương án này thường được các du khách thích mạo hiểm, có sức khỏe tốt thực hiện. Cách thứ 2 chỉ mất 15 phút đã có mặt trên đỉnh vừa nhanh lại vừa tiện là cáp treo. 

Ngồi trên cáp treo, ngoài việc không phải tiêu tốn bất kỳ giọt mồ hôi nào, du khách còn được tận hưởng cảm giác lướt trên những ngọn cây cổ thụ xanh um, cây vông nở hoa đỏ rực… ngắm nhìn khu rừng xanh bao la.

Trên đỉnh núi Tà Cú có 2 ngôi chùa nổi tiếng là Linh Sơn Trường Thọ và chùa Long Đoàn, tại đây có tượng Phật Thích Ca, Phật Niết Bàn trong tư thế nằm nghiêng, đầu gối lên tay, lưng tựa vào núi. 

Pho tượng Phật nằm này được đánh giá là một trong những pho tượng có kích thước lớn nhất Đông Nam Á và mang giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo.

Zuka

SEO

Post a Comment

Previous Post Next Post